Bài hát nào cũng cần được nghiên cứu, nếu bài hát đó được ca sĩ hát lại thì bạn sẽ không phải tìm nguồn phát để nghiên cứu giai điệu của nó dựa trên bản nhạc, nếu bài đó là một bản nhạc mới cứng, thậm chí bạn cần dùng một số phần mềm để nó phát lại giai điệu đó.
Hãy bắt đầu nghiên cứu từ từ và cảm nhận beat nhạc sẵn có của nó. Không thể vội vàng có ngay được một bản đệm hoàn hảo từ việc nghiên cứu bài hát hời hợt được.
2. Bắt nhịp bài hát thu âm:
- Bước đầu tiên là nghe bài hát đó. Nghe đi nghe lại đến khi nào thuộc giai điệu và có thể được thì là thuộc lời bài hát. Có thể bạn tham lam và vội vàng, vừa nghe vừa ôm đàn và cố gắng đánh theo, điều này cũng được, nhưng không hẳn là tốt. Trong giai đoạn đầu tiên khi học điền hoà âm, bạn nên nghe nhiều hơn là vừa nghe vừa ôm đàn.
- Khi đã thuộc giai điệu, nghe và cảm nhận nhịp phách của bài hát. Nếu có bản nhạc, điều này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng nếu chỉ nghe một bản thu, bạn sẽ thấy thực ra nó cũng không khó lắm.
- Chép, hoặc in lời bài hát ra.
- Gạch chân những điểm có sự thay đổi nhịp, ví dụ bạn có thể gạch vào đầu nhịp.Hãy chú ý những tiếng trống hoặc sự thay đổi cao độ của bass hoặc nếu nó là violin, có những điểm ngắt làm cao độ của các nốt thay đổi. Đây chính là chỗ đảo hợp âm.
Tất nhiên với bản nhạc, bạn không cần làm điều này!
Khi đã bắt được nhịp, chuyển qua phần tiếp theo là bắt giọng của bài hát.
3. Lấy giọng của bài hát
Nghe và thử đánh lại vài nốt trong bài hát, bạn sẽ thấy chỉ có vài vị trí thăng hoặc giáng xuất hiện. Ghi nhớ các nốt đó, hãy nhớ lại thang âm của giọng dựa vào dãy (chìa khoá) này: F C G D A E B, nếu có F mà không có F# thì kiểm tra B, nếu là B mà không phải Bb thì rất có thể nó là loại không thăng, không giáng.
Trong một bài hát thông thường, sẽ chỉ có thăng hoặc chỉ có giáng. Điều này cần luôn được ghi nhớ.
Khi các nốt không rõ ràng, bạn cũng có thể thử bằng cách chơi lại các nốt của giai điệu đệm.
Điều quan trọng bậc nhất là biết được nốt thăng hoặc giáng ở những chỗ nào.
Ví dụ: Khi có C#, kiểm tra xem có G# nữa hay không, nếu G# mà không hợp hoặc không có thì dấu thăng cuối cùng trong dãy chìa khoá là C#. Cũng tương tự với dấu giáng.
Sau khi đã biết số dấu thăng hoặc dấu giáng, lúc này nghe nốt cuối của giai điệu, xem nó là nốt gì. Ví dụ nếu có 2 dấu thăng thì nốt cuối của toàn bộ giai điệu chỉ có thể là D hoặc B. Nếu là D, nó là giọng D trưởng, nếu là B thì nó là Bm. Tại sao lại biết như vậy, bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết về các bộ hợp âm quen thuộc và hợp âm song song.
4. Tìm hoà âm cho từng đoạn giai điệu
Đây là bước quan trọng nhất, sau khi đã biết giọng của bài hát, bạn sẽ cần tìm hợp âm của từng đoạn.
Trước hết, cần liệt kê toàn bộ các hợp âm quen thuộc của giọng đó ra, khi đã có các hợp âm quen thuộc, bạn sẽ có thể điền hoà âm dễ hơn vì không phải thử hết hợp âm này đến hợp âm khác.
Có nhiều bài hát sẽ có những dấu thăng giáng bất thường, bạn nghe nhiều bài hát sẽ thấy có nhiều đoạn sẽ có cảm giác "ổn định" và "không ổn định". Cái này hoàn toàn phụ thuộc vào cảm âm nhưng cũng không quá khó để nhận ra. Khi không ổn định, cảm giác đầu tiên là nó bất thường.
Điều đó không có nghĩa là người sáng tác làm sai, đơn giản có thể hiểu rằng: Sự bất thường nhưng nằm trong tổng thể hợp lý về mặt cảm xúc sẽ lại càng hợp lý hơn!
Tạm thời bỏ lại những đoạn "bất thường", bạn hãy tập trung vào những chỗ bình thường để làm hoà âm cho nó đã.
Đặc điểm chung của việc làm hoà âm cho giai điệu là:
- Các hợp âm rất nên chứa nốt giai điệu!
- Giai điệu đệm hoà âm hay thường tạo cảm giác có sự tiệm cận với giai điệu, mượt và uyển chuyển phù hợp với tình cảm của tác phẩm.
- Tăng cường sự ổn định cho người hát bài hát đó. Điều này phụ thuộc vào cảm giác của bạn về giai điệu. Nếu bạn tự đệm lại được mà khiến bạn rất dễ hát với các hợp âm đã điền, xin chúc mừng, bạn đã điền tốt, nếu hát mà cứ thấy ngang ngang khó hát thì chứng tỏ là hoà âm điền chưa tốt.
- Bạn sẽ gặp nhiều vấn đề về lựa chọn hợp âm quen thuộc và các hợp âm nâng cao, làm nhiều sẽ thành quen tay, các giai điệu hay có sự "thân quen" nên bạn cứ làm nhiều sẽ thành phản xạ cho các giai điệu quen thuộc.
- Trừ đoạn cuối, các đoạn còn lại thường hay kết đoạn bằng các nốt có thể không tạo ra sự ổn định.
Các bước làm:
- Bạn nên điền hợp âm cho 1-2 câu cuối của từng đoạn trước.
- Sau đó tìm hợp âm mở đầu cho bài.
- Hợp âm thường chuyển ở những chỗ mà đã gạch chân trước đó.
- Nối giữa các đoạn bằng các hợp âm dựa vào nhịp phách và giai điệu của từng đoạn đó.
Ghi nhớ:
Không nhất thiết hợp âm bạn điền giống 100% so với bài hát gốc được thu âm, bạn nên sáng tạo nhiều hơn chứ không nên khuôn mẫu. Nếu cứ khuôn mẫu, thứ nhất là sẽ không có phong cách, thứ hai là sẽ hình thành thói quen copy không tốt chút nào!
5. Phối hoà âm đơn giản cho bài hát
Là việc làm sau khi đã điền hoà âm, việc làm này sẽ không nhất thiết phải có nếu chỉ làm cho vui hoặc đang đệm tức thời ngay tại trận.
Việc này nói nôm na là bạn sẽ trau chuốt lại toàn bộ hợp âm và xem thử có thể thay thế hoặc cho hợp âm nâng cao hơn vào được để tăng thêm tính mượt mà cho giai điệu hoà âm được hay không? Khi làm nhiều về vấn đề này, bạn sẽ thấy kỹ năng của bạn nâng cao lên đáng kể chỉ sau khi làm hoà âm vài bài.
Nhớ một điều quan trọng bậc nhất đó là luôn luôn chăm chỉ tập luyện một cách khoa học.
Theo Hgn music